Dự thảo nghị định đào tạo chuyên khoa sâu do Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) là đầu mối soạn thảo đang gây tranh cãi, nhất là trong lĩnh vực răng hàm mặt.
Theo đó, tại điều 10 có đề xuất: Đối tượng đào tạo bác sĩ chuyên khoa: Người đã có bằng bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ đa khoa; người đã có bằng bác sĩ răng hàm mặt; người đã có bằng bác sĩ y học cổ truyền; người đã có bằng bác sĩ y học dự phòng.
Điều 33 dự thảo nghị định cũng nêu: Đối tượng đào tạo cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản: Đối tượng quy định tại điều 10, điều 11; có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo dự thảo này, đào tạo để cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản là loại hình đào tạo cho người đã được cấp văn bằng bác sĩ, dược sĩ, cử nhân đã có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để bổ sung phạm vi hành nghề theo quy định.
Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực răng hàm mặt cho biết một số quy định được đề xuất tại dự thảo nghị định trên có thể là nguy cơ khiến các bác sĩ không đạt trình độ chuyên môn của chuyên khoa sâu, không đúng chuyên khoa đã học bậc đại học nếu chỉ sau các khóa đào tạo ngắn ngày.
Sau khi dự thảo ban hành, các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về răng hàm mặt đã cùng ký văn bản gửi lên Bộ Y tế nêu quan điểm cho rằng đào tạo cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản với chuyên khoa răng hàm mặt là không phù hợp với đào tạo sau đại học; đề nghị không cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản với ngành răng hàm mặt.
"Với đào tạo cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản, dự thảo cần nêu rõ là "bác sĩ chuyên khoa" đúng ngành học đã được đào tạo bậc đại học"- văn bản nêu.
Tại văn bản góp ý mới đây, Trường ĐH Y Hà Nội đề nghị cần quy định rõ về điều kiện học chứng chỉ. "Điều 11 dự thảo nghị định cần quy định rõ: Đào tạo bác sĩ chuyên khoa theo đúng ngành đã được đào tạo ở bậc đại học. Bác sĩ chuyên khoa sâu của răng hàm mặt đầu vào phải là bác sĩ răng hàm mặt.
"Dự thảo trên cần thể hiện rõ ràng các quy định với tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu ra khi các bác sĩ hành nghề theo chuyên khoa, không thể bác sĩ y học cổ truyền sau 9 tháng là được hành nghề về răng hàm mặt"- một giảng viên trường ĐH Y Hà Nội nêu quan điểm.
Hạn chế phạm vi hành nghề khi cấp chứng chỉ
Thông tin về nội dung này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết việc xây dựng các văn bản đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về chất lượng nhân lực, tuân thủ các quy định hiện hành, đồng thời đảm bảo các yêu cầu đặc thù ngành y tế; phù hợp hội nhập quốc tế.
Theo ông Quang, với đề xuất trong dự thảo nghị định trên, các khóa học ngắn chú trọng thực hành, có thể từ 6 tháng, tùy chuyên khoa. Các bác sĩ sau khóa học chuyên khoa cơ bản, chỉ hành nghề tại y tế cơ sở, như tuyến huyện.
Giấy phép hành nghề với bác sĩ sau khóa học chuyên khoa cơ bản, ngắn hạn sẽ khống chế phạm vi hành nghề. Ví dụ như bác sĩ chuyên khoa cơ bản về răng hàm mặt chỉ xử trí cơ bản như: Nhổ răng sữa, khám sàng lọc bệnh răng miệng; hay ngoại chung thì chỉ hành nghề đúng phạm vi chứ không được thực hiện các ca mổ chuyên khoa sâu, quá khả năng chuyên môn.
Tuy nhiên, với ý kiến này, nhiều giảng viên đào tạo lĩnh vực răng hàm mặt nêu quan điểm: Một bác sĩ đa khoa sau khi đào tạo 6 năm, rồi học thêm 9 tháng răng hàm mặt, nhưng hành nghề răng hàm mặt lại chỉ cho nhổ răng sữa và khám bệnh cũng là tổn thất cho nguồn lực đào tạo.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, nếu khi cấp chứng chỉ hành nghề lại thu hẹp phạm vi hoạt động của bác sĩ thì đơn vị nào sẽ quản lý phạm vi hành nghề. Đặc biệt, làm thế nào để biết người dân biết được bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ trong phạm vi hoạt động nhất định.
Trước đó, nhiều thông tin phản ánh một số trường đại học tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn, từ 3 - 6 - 9 tháng, tùy chuyên khoa. Trong đó, chuyên khoa răng hàm mặt cơ bản là 9 tháng, mức học phí 27 triệu đồng/học viên (quy mô lớp 20 - 40 học viên).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét