Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2024

Nghiên cứu cách ngủ của 84.000 người, chỉ ra nguy cơ bệnh tiểu đường

Nghiên cứu dẫn đầu bởi Bệnh viện Brigham and Women's (Mỹ) đã phân tích các kiểu ngủ của hơn 84.000 người trong vòng 7 đêm, sau đó theo dõi họ trong vòng 7,5 năm để xem xét mối liên hệ chi tiết giữa giấc ngủ và bệnh tiểu đường type 2.

Nghiên cứu cách ngủ của 84.000 người, chỉ ra nguy cơ bệnh tiểu đường- Ảnh 1.

Lên giường cùng một giờ và đặt đồng hồ báo thức vào giờ cố định là thói quen tốt - Ảnh AI: Anh Thư

Theo bài công bố trên tạp chí y học Diabetes Care, công trình được thực hiện trong bối cảnh bệnh tiểu đường type 2 đang ảnh hưởng đến nửa tỉ người trên toàn thế giới và là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật.

Số người mắc bệnh này dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên 1,3 tỉ vào năm 2050.

Trong khi đó, nguyên nhân gây ra bệnh này chủ yếu do lối sống. Chế độ ăn và thói quen vận động là 2 yếu tố được quan tâm nhất. Nhưng nghiên cứu mới chỉ ra kiểu ngủ quan trọng không kém.

Sau 7,5 năm theo dõi, các tác giả nhận thấy những người có giấc ngủ không đều - với thời gian ngủ hằng ngày dao động trên 60 phút - có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn đến 34% so với những người ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ.

Đặc biệt, ngủ không đều kết hợp với ngủ quá nhiều khiến nguy cơ càng tăng cao.

Nghiên cứu chưa tìm hiểu sâu lý do việc ngủ "tùy hứng" ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường nhưng một số nghiên cứu trước đó chỉ ra thói quen không tốt này ảnh hưởng đến nhịp sinh học.

Điều này không chỉ khiến bạn cảm thấy kém tỉnh táo hơn vào buổi sáng mà còn tác động đến nhiều quá trình khác nhau của cơ thể. Vì vậy, quá trình chuyển hóa có thể cũng bị ảnh hưởng.

Các bác sĩ thường khuyên rằng cách ngủ tốt nhất là ngoài việc vừa đủ về mặt thời gian còn nên có lịch trình ổn định: Hãy cố gắng bước lên giường vào cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ mỗi buổi sáng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét