Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

Ghép khí quản từ người chết não cho thanh niên mất giọng nói suốt 2 năm

Ngày 7-8, Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội) công bố ghép thành công khí quản cho nam thanh niên L.V.N. (25 tuổi, ở Thanh Hóa), với đoạn khí quản của người cho chết não kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản, khắc phục tình trạng rò và hẹp do chấn thương tai nạn giao thông.

Ghép khí quản từ người chết não cho thanh niên mất giọng nói suốt 2 năm- Ảnh 1.

Ca ghép khí quản từ người cho chết não lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam

Ca mổ từ khí quản của người cho chết não

Bị đa chấn thương do tai nạn giao thông từ tháng 7-2022, khi đó nam thanh niên này đã được phẫu thuật kết hợp xương hàm mặt, vùng cổ và điều trị bảo tồn các cơ quan tổn thương khác. 

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi và điều trị hồi sức tích cực, có mở nội khí quản, khi ổn định được chuyển về địa phương điều trị tiếp. 

Một tháng sau khi mở nội khí quản, người bệnh được hội chẩn điều trị bảo tồn, đặt stent khí quản nhưng thất bại, tiếp đó phải phẫu thuật cắt nối khí quản tại một bệnh viện ở Hà Nội nhưng không thành công do tổn thương phức tạp và một đoạn dài khí quản bị hẹp. Sau khoảng 2 tháng xuất hiện khó thở và phải mở lại khí quản vĩnh viễn.

Trong thời gian gần 2 năm vừa qua, N. không ăn được bằng đường miệng, phải bơm qua mở thông dạ dày; không thở qua đường mũi mà thở qua đường mở khí quản ở cổ nên thường xuyên loét chảy máu và nhiễm trùng tại vị trí mở khí quản. Gia đình rất bi quan về tương lai của một chàng trai trẻ đang sức làm việc nhưng giờ bị tàn phế, cuộc sống dường như bế tắc.

Ghép khí quản từ người chết não cho thanh niên mất giọng nói suốt 2 năm- Ảnh 2.

Nam bệnh nhân (ngồi bên phải) hồi phục sau ca ghép thực quản và tạo hình thực quản hẹp

Các bác sĩ thực hiện ghép khí quản từ người cho chết não cho thanh niên 25 tuổi

Trước những thương tổn phức tạp của người bệnh, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn liên chuyên khoa (tai mũi họng, tiêu hoá, phẫu thuật lồng ngực, phục hồi chức năng, gây mê hồi sức, ngân hàng mô, dinh dưỡng….) thống nhất phẫu thuật cùng lúc tạo hình cắt, nối đoạn thực quản cổ bị hẹp hoặc tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng, đồng thời ghép đoạn khí quản cổ bằng đoạn khí quản của người cho chết não.

1 tháng sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tăng được 5 kg, sẹo mổ liền tốt, ăn uống được bằng đường miệng và tự thở qua đường mũi trở lại. Kết quả soi thực quản và khí quản cho thấy sẹo mổ liền tốt, đoạn khí quản ghép màu hồng, không hoại tử, không hẹp.

Sau khám lại 3 tháng, bệnh nhân đã tăng được 10 kg với thể trạng toàn thân khỏe mạnh, tự thở qua mũi, tự ăn qua đường miệng.

Thêm cơ hội cho người bệnh hẹp khí quản

Tiến sĩ-bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết đến nay, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, ăn được bằng đường miệng và thở bằng đường mũi như bình thường. Khoảng 1 tháng nữa bệnh nhân sẽ được tháo stent (một loại giá đỡ bằng silicon) ở đoạn ghép khí quản, khi đó giọng nói của bệnh nhân sẽ trở lại bình thường sau hơn 2 năm không nói được.

Các bác sĩ cũng cho biết thành công đặc biệt của ca ghép này là bệnh nhân không phải sử dụng thuốc chống thải ghép sau khi được ghép khí quản. Hiện nay, số người bệnh phải mở nội khí quản rất nhiều và tỉ lệ hẹp, biến chứng khá cao.

Ghép khí quản từ người chết não cho thanh niên mất giọng nói suốt 2 năm- Ảnh 3.

Ca ghép khí quản giúp bệnh nhân tìm lại giọng nói sau 2 năm

Theo bác sĩ Hùng, phẫu thuật ghép khí quản nói chung và phẫu thuật ghép đường thở nói riêng vẫn là thách thức trong ngoại khoa. "Số ca được ghép như bệnh nhân này trên thế giới đếm trên đầu ngón tay, dưới 10 ca. Thái Lan có 2 ca theo dõi đến 20 tháng. Các trường hợp khác ở các quốc gia khác đều không thành công. Với ca bệnh này, chúng tôi tự tin vào tay nghề của bác sĩ Việt Nam không thua gì thế giới"- bác sĩ Hùng khẳng định.

Từ ca ghép khí quản này cũng mở ra cơ hội cho những bệnh nhân có tổn thương đoạn khí quản dài trên 6 cm (do chấn thương, hẹp bẩm sinh hoặc có khối u ở khí quản), có thể phục hồi trở lại đường thở một cách tốt nhất.

Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết bệnh viện đang trong quá trình xin phép các cơ quan chức năng để thời gian tới có thể thực hiện ca ghép dương vật từ người cho chết não.

Hiện, một người chết não hiến tạng cứu ít nhất được 4 người, các bộ phận khác như van tim, mạch máu, khí quản, giác mạc... được bảo quản tại ngân hàng mô sẽ mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân khác.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

Giải pháp dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, cho con bú

Mang thai là thời khắc bắt đầu thiêng chức của người mẹ. Bên cạnh niềm vui, sự háo hức chào đón thiên thần nhỏ là những băn khoăn, lo lắng làm sao để con đủ chất, con phát triển toàn diện… Đảm bảo dinh dưỡng trong từng bữa ăn, ngay từ những ngày đầu thai kỳ là vô cùng quan trọng. Với phần mềm từ Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em, bà mẹ và người chăm sóc trẻ có thể yên tâm về dinh dưỡng mỗi ngày.

Ngân hàng thực đơn đa dạng món ăn và khẩu vị

Được nghiên cứu và phát triển dựa trên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị trong từng giai đoạn của mẹ và bé, Phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi" giúp đơn giản hóa công đoạn lên thực đơn cho mẹ và bé. Các thực đơn trong Phần mềm còn được chia theo khẩu vị 3 miền Bắc, Trung và Nam để thay đổi khẩu vị phù hợp với sở thích người dùng.

A screenshot of a food website Description automatically generated

Ngân hàng thực đơn được chia theo từng giai đoạn thai kỳ của mẹ và phát triển của bé tại Phần mềm

Phần mềm cũng cho phép người dùng tự tạo thực đơn cân bằng dinh dưỡng dựa trên các món ăn có sẵn để người dùng linh hoạt thay đổi theo sở thích, điều kiện cá nhân.

Giải pháp dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, cho con bú- Ảnh 2.

Một thực đơn bữa sáng cho mẹ bầu ba tháng giữa tại Phần mềm

Công cụ hỗ trợ theo dõi sức khỏe mẹ và bé tiện lợi

Không chỉ cung cấp công cụ lên thực đơn, Phần mềm còn cho phép mẹ theo dõi tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của mẹ và bé ngay tại nhà. Nhờ đó, mẹ dễ dàng theo dõi chỉ số cân nặng của mẹ trong suốt thai kỳ, đồng thời kiếm tra chỉ số cân nặng, chiều cao của trẻ theo độ tuổi, từ đó có biện pháp điều chỉnh dinh dưỡng kịp thời.

A screenshot of a cell phone Description automatically generated

Mẹ có thể dễ dàng kiểm tra các chỉ số cân nặng của trẻ theo từng tuần tuổi với công cụ Theo dõi sức khỏe tại nhà

Ngoài ra, mẹ thể truy cập kho kiến thức phong phú về dinh dưỡng, sức khỏe và ẩm thực, được biên soạn bởi các chuyên gia tại mục Sổ tay của mẹ.

Để sử dụng đầy đủ các tính năng của Phần mềm, mẹ chỉ cần truy cập website https://ift.tt/mb5TM0r.

Nhân rộng chương trình trên toàn quốc

Chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2020, đến nay Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em, với sự phối hợp của Công ty Ajinomoto Việt Nam, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế, đã được nhân rộng đến 54 tỉnh thành cả nước.

Chương trình là một trong những sáng kiến giá trị của Ajinomoto Việt Nam đang theo đuổi, trong nỗ lực hiện thực hóa Mục đích tồn tại của Công ty là "Góp phần mang đến sức khỏe, hạnh phúc cho người dân và xã hội Việt Nam thông qua việc cung cấp những sản phẩm chất lượng và sáng kiến có giá trị".

Hiện nay, hơn 1 triệu bà mẹ đang áp dụng Phần mềm của Chương trình trong chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho bản thân và cho các bé.

Giải pháp dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, cho con bú- Ảnh 4.

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em phát biểu

Vừa qua, chương trình tiếp tục được triển khai đến hệ thống y tế tỉnh Bến Tre, với sự tham dự của ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, ông Đỗ Tất Tiến - Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, cùng lãnh đạo, cán bộ y tế tại các bệnh viện có khoa sản - nhi, các trung tâm y tế… trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Đỗ Tất Tiến - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre - cho biết: "Điều quan trọng trong việc triển khai hiệu quả chương trình này là công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân ứng dụng những chế độ ăn đã được tính toán cân bằng dinh dưỡng, khoa học và lành mạnh vào việc chăm sóc dinh dưỡng cho Phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ nhỏ, thay vì chỉ dựa vào thói quen, tập quán, kinh nghiệm ăn uống truyền thống trước giờ. Vì vậy, Sở đã lên kế hoạch cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam sẽ phối hợp với hệ thống y tế tại địa phương tổ chức các lớp Tập huấn sử dụng Phần mềm dành cho cán bộ y tế và bà mẹ đã tham gia chương trình. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các đơn vị tăng cường truyền thông về Phần mềm thông qua các lớp tiền sản/dinh dưỡng… cho các bà mẹ tại từng đơn vị".

Vì sao xử phạt người sinh con thứ 3 không còn phù hợp?

Tại hội thảo "Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương", ngày 6-8, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết mức sinh thay thế của Việt Nam chưa thực sự bền vững.

Vì sao xử phạt người sinh con thứ 3 không còn phù hợp?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết mức sinh của phụ nữ Việt phụ nữ giảm xuống 1,96 con

Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện là 1,96 con; mức sinh xuống thấp, tình trạng chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục.

Mức sinh tiếp tục giảm, cần cơ sở pháp lý trong tình hình mới

Theo thứ trưởng Hương, hiện tốc độ tăng dân số là 1,05%/năm, thấp xa so với 3-4 thập kỷ trước đây (trên dưới 3%/năm) và ở mức rất thấp so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng dân số năm 2022 là 0,98% và năm 2023 là 0,84%.

"Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới" - Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, đã phân tích tình hình dân số đáng báo động của các nước và rút ra những bài học cho Việt Nam.

GS Nguyễn Thiện Nhân cho biết tính đến tháng 12-2023, thế giới có 42 nước thu nhập cao. Các nước này có quy luật chung là càng giàu, GDP/người càng tăng thì tổng tỉ suất sinh càng giảm.

Vì sao xử phạt người sinh con thứ 3 không còn phù hợp?- Ảnh 2.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM

Trong đó, 38/42 nước có tổng tỉ suất sinh dưới 2,0 vào năm 2023, 4 nước còn lại có tổng tỉ suất sinh lớn hơn 2,0, song tổng tỉ suất sinh đều giảm dần liên tục, năm sau thấp hơn năm trước.

Từ kinh nghiệm quốc tế, GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu.

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng cảnh báo khi sinh khi đã giảm thấp thì rất khó quay trở lại mức thay thế. Trong giai đoạn 2000-2015, thế giới có 32 quốc gia có tổng tỉ suất sinh (TFR) gia tăng nhẹ khi đang ở dưới mức thay thế, nhưng không trường hợp nào quay trở về mức thay thế hoặc cao hơn.

Đề xuất bỏ quy định "sinh từ 1-2 con"

Từ kết quả khảo sát, đánh giá về số con mong muốn tại 4 tỉnh, thành phố: Khánh Hoà, TP HCM, Cà Mau và Sóc Trăng, GS Vinh cho biết mong muốn có 2 con đang phổ biến trong xã hội nhưng không bền vững bởi các yếu tố cản trở sinh đẻ đang dần chiếm ưu thế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Không ít gia đình muốn có 2 con nhưng không có ý định sinh đủ 2 con hoặc không thể hiện thực hóa được mong muốn đó.

Ông Vinh cũng cho rằng cần bỏ quy định cặp vợ chồng sinh từ 1-2 con. Bởi thực tế cho thấy dù có nới lỏng quy định sinh con sẽ không có nhiều cặp vợ chồng muốn sinh nhiều hơn 2 con, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Thậm chí với đối tượng "Gen Z" cần phải tuyên truyền để họ có nhận thức đúng về vấn đề này.

Vì sao xử phạt người sinh con thứ 3 không còn phù hợp?- Ảnh 3.

PGS-TS Nguyễn Đức Vinh cho rằng không nên xử phạt khi các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên

"Trong nhiều hội thảo đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách, tôi đều nêu quan điểm nên để người dân được tự quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh và số lượng con. Chúng ta có thể khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con, nhưng không nên quy định về xử phạt khi họ sinh con thứ 3 trở lên, kể cả đối tượng đó là Đảng viên" - ông Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đảm bảo mức sinh thay thế trên toàn quốc, ông Vinh cho rằng cần có những biện pháp đối với những vùng có mức sinh cao để giảm sinh, vùng có mức sinh thấp cần có chính sách khuyến khích sinh.

Bên lề hội thảo, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết các nội dung liên quan đến việc xử phạt cặp vợ chồng sinh con thứ 3 là quy định đã được áp dụng nhiều năm qua. Dù vậy, từng thời kỳ cần có những chính sách khác nhau.

Tại Việt Nam, tỉ lệ giảm sinh chưa đến mức báo động, nhưng nếu không can thiệp ngay, tỉ lệ giảm sinh sẽ ngày càng mạnh, sẽ đến lúc báo động.

Theo ông Dũng, mỗi thời kỳ chính sách dân số cần thay đổi phù hợp với thực tế. Việc xử phạt sinh con thứ 3 do vi phạm quy định về chính sách dân số đã thực hiện trong nhiều năm, đến nay đã không còn phù hợp.

Vì sao xử phạt người sinh con thứ 3 không còn phù hợp?- Ảnh 4.

Mức sinh ở Việt Nam tiếp tục giảm

"Chúng tôi đang xin ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 có báo cáo chính thức Bộ Y tế; tham mưu với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tế" - ông Dũng nói.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng Pháp lệnh dân số vẫn còn hiệu lực và các quy định nới lỏng mới chỉ là đề xuất, do vậy cần nhất quán thông tin quy định "mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định" vẫn còn hiệu lực.

Dự kiến Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật Dân số trong tháng 12-2024.

Đề xuất quy định giờ làm việc, lương đủ sống để thúc đẩy dân số

Góp ý để hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM - đưa ra 11 giải pháp để phát triển dân số, đất nước bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc.

Đề xuất quy định giờ làm việc, lương đủ sống để thúc đẩy dân số- Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân góp ý, hoàn thiện chính sách trong dự thảo Luật Dân số

Theo đó, GS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động (công đoàn) cần thống nhất nhận thức và giải pháp để gia đình có 2 người đi làm có đủ thu nhập để nuôi dạy, cho học hành đàng hoàng 2 người con. 

Ông cho rằng cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.

Thứ 2, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.

Thứ 3, cần có thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà với giá cả chấp nhận được, để việc không có nhà không trở thành 1 điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn.

Thứ 4, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con.

Thứ 5, cần thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (trẻ từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi) để cha mẹ có điều kiện làm việc và phát triển ngay cả khi sau sinh và con còn nhỏ. Phát triển hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập để phổ cập tiểu học, trung học cơ sở và phổ cập nghề.

Thứ 6, chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc làm việc nhà, nuôi dạy con, thực hiện bình đẳng giới thực sự.

Thứ 7, xây dựng môi trường xã hội thân thiện với trẻ em, người mẹ và gia đình, thể hiện sự trân trọng của xã hội với những người làm tròn trách nhiệm công dân để đất nước phát triển bền vững về lao động và dân số.

Thứ 8, cần dạy về làm vợ, làm chồng hạnh phúc, làm cha mẹ hạnh phúc và xây dựng gia đình hạnh phúc từ bậc học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Cần dạy môn Hạnh phúc học của người Việt Nam ở các bậc học.

Đề xuất quy định giờ làm việc, lương đủ sống để thúc đẩy dân số- Ảnh 2.

Thanh niên Việt kết hôn lần đầu ngày càng muộn

Thứ 9, cần phát huy truyền thống văn hóa của người Việt Nam, sáng kiến cộng đồng địa phương để kết hôn và sinh con đem lại hạnh phúc không thể thay thế cho đời người, là niềm tự hào khi làm tròn trách nhiệm công dân.

Thứ 10, Nhà nước có chương trình hỗ trợ thiết thực các cặp vợ chồng vô sinh sinh con.

Thứ 11, các gia đình tự quyết định số con và thời điểm sinh con. Phát triển hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh sản.

Theo GS Nguyễn Thiện Nhân, công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức như một số vấn đề thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm.

Nguyên nhân của mức sinh giảm là do xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn. Tại TP HCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số.

"Nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỉ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu hơn và duy trì lâu dài"- GS Nguyễn Thiện Nhân nói.

Hiện dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến. Tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho vợ chồng.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến kể lại kỷ niệm chăm sóc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trên trang facebook cá nhân, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, viết: "Hàng triệu con tim đang bùi ngùi thương tiếc vì sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư đã ra đi thanh thản, sống cuộc đời đáng sống, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam".

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến kể lại kỷ niệm chăm sóc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến. Ảnh: Facebook

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi là người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư luôn dành sự quan tâm và tình cảm tốt đẹp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, cán bộ ngành y tế .

Khi là bệnh nhân, Tổng Bí thư là bệnh nhân kỷ luật, tuân thủ nghiêm túc các chỉ định y khoa và luôn quý trọng, tin tưởng, tình cảm chân thực với các thầy thuốc.

Thời gian công tác ở Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương và Hội đồng chuyên môn, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến được giao nhiệm vụ chủ trì các cuộc hội chẩn chuyên môn. Hội đồng gồm nhiều chuyên gia đầu ngành của hầu hết các chuyên khoa, cùng đưa ra phác đồ về chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu, đông y, tây y, chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt rất nghiêm ngặt và chặt chẽ nhằm phục hồi khả năng vận động, đi lại, làm việc bình thường cho Tổng Bí thư.

"Tổng Bí thư là bệnh nhân dễ chịu, hiền hoà, lạc quan, cố gắng hết sức để tuân thủ phác đồ điều trị khắt khe, vất vả. Nhiều lần Tổng Bí thư còn nói đùa các y bác sĩ quá hà khắc và đặt biệt danh cho đồng chí Lợi (chuyên gia vật lý trị liệu) là Hà Khắc Lợi, còn tôi được gọi là Hà Khắc Tiến"- bà Tiến nhớ lại và cho biết bà cùng các đồng nghiệp giám sát chặt chẽ cả mâm cơm tối nên làm Tổng Bí thư lo.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến kể lại kỷ niệm chăm sóc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cán bộ y tế nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ảnh: Trần Minh

"Tổng Bí thư giở lồng bàn lên và nói thức ăn đúng như chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ quy định. Cục Quản trị Văn phòng Trung ương thương Tổng Bí thư, muốn điều chỉnh chế độ ăn, nhưng tôi không đồng ý. Lúc đó và bây giờ vẫn thương Tổng Bí thư vì chúng tôi mong muốn Tổng Bí thư sớm bình phục đi lại bình thường"- PGS Tiến kể.

Bà Tiến nhớ lại sau mỗi lần họp hội chẩn, Hội đồng chuyên môn lại ghé thăm, chuyện trò và còn hát cho Tổng Bí thư nghe. Tổng Bí thư rất thích các bài hát đó và cùng hát luôn.

"Với nghị lực phi thường của Tổng Bí thư, cùng sự nỗ lực chuyên môn và các cộng sự, Tổng Bí thư đã có thể ngồi họp, viết, đọc và đi lại khá bình thường. Và giờ đây, Tổng Bí thư đã đi xa..." - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế xúc động.

63 công nhân nhập viện sau bữa trưa ở Bình Phước, công an vào cuộc

Ngày 23-7, Công an tỉnh Bình Phước đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra nguyên nhân hàng chục công nhân Công ty TNHH Pin Yuan Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, huyện Đồng Phú) nhập viện cấp cứu sau khi ăn cơm trưa.

63 công nhân nhập viện sau bữa trưa ở Bình Phước, công an vào cuộc - Ảnh 1.

Các nạn nhân đang được điều trị tại bệnh viện

Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên nhiều công nhân dùng bữa ăn trưa gồm cơm với thịt kho đậu hũ, sườn kho dứa, canh rau… Sau khi ăn cơm với thịt kho đậu hũ khoảng 20 phút, một số công nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn…

Nhận được tin báo, UBND huyện Đồng Phú có mặt tại hiện trường làm rõ vụ việc. Qua thống kê, có 63 công nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú.

Chi khám chữa bệnh BHYT tăng cao, Bộ Y tế yêu cầu siết chặt

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản về việc nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ BHYT gửi BHXH Việt Nam; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bệnh viện...

Chi khám chữa bệnh BHYT tăng cao, Bộ Y tế yêu cầu siết chặt- Ảnh 1.

Quỹ BHYT chi trả số tiền lớn cho người bệnh hiểm nghèo

Bộ Y tế cho biết đã nhận được công văn của BHXH Việt Nam về việc cung cấp số chi khám chữa bệnh BHYT quý 1-2024. Theo đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT quý I năm 2024 là 43.003.660 lượt, tăng 2.614.742 lượt, tương ứng 6,47% so với cùng kỳ năm 2023.

Số chi khám chữa bệnh BHYT quý 1-2024 là 30.977 tỉ đồng (chưa bao gồm số chi khám chữa bệnh BHYT của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân), tăng 4.019 tỉ đồng, tương ứng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Để bảo đảm quản lý và sử dụng quỹ BHYT theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam thực hiện thông báo số dự kiến chi cho cơ sở khám chữa bệnh theo quy định.

Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo tình hình gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT trên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT tới Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh để cảnh báo cho cơ sở khám chữa bệnh về các chi phí gia tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.

Tổng hợp, gửi thông báo về Bộ Y tế danh sách các cơ sở khám chữa bệnh theo từng tỉnh có chi phí gia tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để Bộ Y tế nắm bắt thông tin và kịp thời chỉ đạo, bảo đảm việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; y tế các bộ, ngành, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực của bệnh viện.

Chi khám chữa bệnh BHYT tăng cao, Bộ Y tế yêu cầu siết chặt- Ảnh 2.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát, cảnh báo cơ sở y tế có chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT và đơn vị mua sắm tập trung cấp tỉnh thực hiện nghiêm các quy định có liên quan đến mua sắm, đấu thầu để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Phối hợp với BHXH cấp tỉnh thông báo tình hình gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT trên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT tới cơ sở khám chữa bệnh để cảnh báo cho cơ sở khám chữa bệnh về các chi phí gia tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.

Cùng đó, phối hợp với BHXH cấp tỉnh tổng hợp, gửi thông báo về Bộ Y tế, BHXH Việt Nam danh sách các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí gia tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để Bộ Y tế nắm bắt thông tin và kịp thời chỉ đạo.