Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) vừa phối hợp với một số bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn TP HCM thực hiện khảo sát mô hình bệnh tật học sinh các cấp, thuộc Đề án phát triển y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Khảo sát thực hiện ở gần 1.300 trẻ từ mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố, kết quả cho thấy 54% trẻ mắc tật khúc xạ, còn lại là các bệnh lý khác.
Gây khó khăn trong sinh hoạt, học tập
Thực tế, tại Bệnh viện Mắt TP HCM mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn người đến khám. Trong đó, nhiều trẻ được phát hiện mắc tật khúc xạ.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Kim Chi, Phó trưởng Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết số lượng người mắc các tật khúc xạ do sử dụng thiết bị điện tử đang gia tăng. Số lượng trẻ được phát hiện cận thị cũng tăng lên một phần do phụ huynh ngày càng quan tâm đến sức khỏe mắt của con em mình và đưa đi khám sớm. Ngoài ra, các trường học cũng tổ chức những đợt kiểm tra thị lực hằng năm, giúp phát hiện sớm và đưa trẻ đi khám khi cần thiết. Theo bác sĩ Chi, tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị và loạn thị, bệnh gây giảm thị lực. Nếu tật khúc xạ càng nặng (độ cận cao), mắt càng yếu khiến trục nhãn cầu dài dễ dẫn đến các bệnh lý liên quan võng mạc, thần kinh mắt.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chuyên khoa mắt, Khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) - cho biết có 2 nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ là di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố di truyền chiếm tỉ lệ không nhiều, thường gặp ở trẻ có cha mẹ mắc tật khúc xạ. Bố mẹ bị cận dưới 4 độ khả năng di truyền sang con khoảng 10%, bị cận từ 6 độ trở lên khả năng di truyền sang con lên tới trên 90%. Còn lại bệnh do yếu tố môi trường, thói quen sinh hoạt không hợp lý.
Bác sĩ Tuyết cũng nhấn mạnh giảm thị lực do tật khúc xạ không được điều trị sẽ gây khó khăn trong học tập và sinh hoạt của trẻ. Ngoài ra, tật khúc xạ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: nhược thị, lác, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc…, thậm chí gây mù lòa.
Các dấu hiệu nhận biết
Theo bác sĩ Tuyết, để nhận biết trẻ bị tật khúc xạ, phụ huynh nên chú ý các dấu hiệu sau: trẻ thường xuyên nheo mắt, vẹo cổ hoặc nghiêng đầu khi nhìn; không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai hoặc viết lệch hàng; điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn dẫn đến đau đầu, nhức mắt và chảy nước mắt. Nếu xuất hiện những dấu hiệu trên, cần nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được được thăm khám kịp thời.
Theo bác sĩ Chi, trẻ thường không nhận biết được mắt mờ và các bệnh lý tật khúc xạ sớm, do vậy, việc tầm soát sớm là rất quan trọng. Để phát hiện tật khúc xạ ở mắt, bác sĩ Chi khuyến khích cha mẹ nên đưa trẻ đi khám định kỳ 6 tháng/lần để can thiệp sớm, tránh tình trạng nặng hơn.
Hiện nay, Việt Nam và thế giới đang nỗ lực giảm sự tiến triển của cận thị và ngăn ngừa khả năng mắc tật khúc xạ. Tại bệnh viện cũng đang chuẩn bị triển khai chương trình kiểm soát cận thị, trong đó bệnh nhi sẽ được sử dụng thuốc điều tiết để kiểm soát cận thị, cùng với nhiều phương pháp khác như sử dụng kính nhằm làm giảm tốc độ tiến triển của cận thị.
Đối với nhà trường, các bác sĩ cho rằng cần bảo đảm phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng chuẩn, tổ chức các chương trình tầm soát thị lực học đường để phát hiện sớm các tật khúc xạ.
Cho trẻ vận động nhiều hơn
"Khi phụ huynh nhận thấy con bị cận thị, họ thường quan tâm liệu có cách nào để chữa hết cận thị hay không. Thực tế, cận thị không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể đeo kính để điều chỉnh. Nhiều trẻ tăng độ nhanh và chương trình kiểm soát cận thị sẽ giúp kiểm soát việc này" - bác sĩ Chi lưu ý. Các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với điện thoại và thiết bị điện tử; ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin A; khuyến khích trẻ hoạt động thể chất nhiều hơn...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét