"Dự định cuối tuần này gia đình tôi đi du lịch. Ngoài tiêm nhắc lại cho các con, cho bản thân, tôi sẽ gọi người nhà đi tiêm để an toàn" - chị An nói.
Bác sĩ Đinh Văn Thới, Trưởng Phòng khám Tiêm chủng - Viện Pasteur TP HCM, cho hay trong 2 ngày 9 và 10-7, số người đến tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu tăng đột biến. Trước đó, mỗi ngày chỉ tiếp nhận khoảng 10 - 15 trường hợp thì nay con số này khoảng 100.
Theo bác sĩ Thới, tất cả mọi người chưa có miễn dịch chống lại bạch hầu cần được tiêm vắc-xin đủ mũi và đúng lịch. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu. Vì vậy, khi trẻ từ 2 tháng tuổi nên chủng ngừa. Với trẻ nhỏ, thường được tiêm vắc-xin 5 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan B - HiB) hoặc 6 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - viêm gan B - HiB). Với trẻ lớn và người lớn, có thể sử dụng các vắc-xin 4 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt), vắc-xin 3 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà), vắc xin 2 trong 1 (bạch hầu - uốn ván). Lưu ý, cần tuân thủ lịch tiêm chủng theo hướng dẫn của bác sĩ để bảo đảm hiệu quả bảo vệ tối ưu và lâu dài. Đối với phụ nữ mang thai nên tiêm 1 liều vắc-xin bạch hầu - uốn ván - ho gà trong thời gian từ 27 đến 36 tuần thai để bảo vệ bản thân và có kháng thể truyền cho con, bảo vệ bé những tháng đầu đời.
Theo PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm và chưa được thanh toán nên mầm bệnh vẫn còn lưu hành ở cộng đồng. Do đó, có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào ở những người chưa tiêm ngừa đầy đủ. Bạch hầu vốn là bệnh của trẻ em nhưng theo dịch tễ, khi tỉ lệ mắc của bệnh giảm dần thì tuổi mắc bệnh gia tăng. Cụ thể, giai đoạn 1 tuổi mắc bệnh chủ yếu ở tuổi mẫu giáo sẽ chuyển sang lứa tuổi học sinh; ở giai đoạn 2 các ca bệnh bạch hầu chủ yếu xảy ra ở người lớn trên 15 tuổi. Vì vậy, có người 18 tuổi mắc bệnh và tử vong không phải là điều bất thường. Đây cũng chỉ điểm cho việc tiêm chủng bạch hầu tương đối tốt.
"Bệnh truyền nhiễm lây lan do tiếp xúc gần nên việc tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng hô hấp và thực hiện vệ sinh hô hấp là quan trọng. Ngoài ra, các cơ quan y tế cũng có thể tiến hành các biện pháp phòng chống dịch như truy vết người tiếp xúc, tiêm chủng cho người có tiền sử tiếp xúc với người bệnh và điều trị người bệnh bằng kháng sinh cũng có thể giúp giảm nguy cơ lây lan. Việc cách ly những người tiếp xúc gần (như đối với COVID-19) là không cần thiết" - bác sĩ Dũng lưu ý.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét