Nhiều người lựa chọn bọc răng sứ để có hàm răng trắng đẹp, nụ cười rạng rỡ song nên biết răng thật khỏe mạnh vẫn là tốt nhất và chỉ nên bọc khi thật sự cần thiết.
Biến chứng sau khi bọc răng
Kể lại quá trình bọc răng sứ, chị T.M.B (25 tuổi) cho biết cách đây 1 năm, sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội, chị quyết định đến một cơ sở bọc 16 răng sứ với giá 5,9 triệu đồng. Tại đây, cơ sở nha khoa cam kết không đau, mài răng ít, bảo hành trọn đời. Khi thực hiện mài răng thấy răng bị nhỏ đi hơn 50% chị thắc mắc thì bác sĩ giải thích do hình dạng của răng. Dù nghi ngờ nhưng vì đã quyết định làm nên chị tiếp tục để mài những chiếc răng còn lại. "Lúc gắn răng sứ vào đến đâu tôi ê buốt răng đến đó nhưng vì lỡ mài rồi nên đành để bác sĩ tiếp tục gắn. Sau 30 phút, soi gương thấy răng trắng đẹp, đều nên tôi cũng được xoa dịu tâm lý. Sau khi về nhà 1 - 2 ngày thì đỡ đau, ăn uống thoải mái hơn" - chị B. cho biết.
Tuy nhiên, sau hơn một năm bọc răng sứ, răng của chị bắt đầu lỏng cổ chân, khi ăn đồ lạnh hay nóng thì bị ê buốt. Không chỉ vậy, thức ăn mắc vào kẽ chân răng khó vệ sinh khiến chị bị hôi miệng, đau nhức và ê buốt khi đánh răng. Chị đến cơ sở nha khoa kiểm tra lại và được tư vấn do răng bị tụt nướu, hở cổ chân lâu ngày nên thức ăn len vào làm hỏng sứ buộc phải tháo răng cũ bọc răng sứ mới. Đặc biệt, bộ răng sứ cũ không được bảo hành, muốn làm mới chị phải đóng thêm tiền. Sau đó, chị đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM để thăm khám, tháo bỏ sứ cũ, điều trị tụt nướu, bọc sứ mới để khôi phục chức năng nhai và cải thiện thẩm mỹ.
Trường hợp của chị B. không phải hy hữu. Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết nơi đây cũng tiếp nhận bệnh nhân M.T (21 tuổi) đến khám trong tình trạng nướu sưng đau, không ăn uống được, hôi miệng. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị có nang xương hàm lớn chiếm toàn bộ xương hàm trên. Để điều trị, bác sĩ đã phải cắt sứ, nạo nang răng sau đó bọc lại.
Trước đó, mong muốn răng trắng sáng hơn, chị T. đến một cơ sở nha khoa trên địa bàn TP Thủ Đức. Tại đây, chị được tư vấn bọc sứ 10 răng trên. Tuy nhiên, sau khi bọc sứ khoảng vài tháng thì chị bị đau răng, không ăn được, sưng nướu, hôi miệng. Quay trở lại cơ sở nha khoa để kiểm tra, chị được điều trị tủy, uống thuốc nhưng tình trạng đau lặp lại nhiều lần, kéo dài suốt 3 năm.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hùng Lâm, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, cho biết phục hình răng sứ thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: răng bị sâu lớn mất nhiều mô răng; răng vỡ lớn, chấn thương; mất răng; răng bị ố vàng vì nhiễm tetracyclin không thể tẩy trắng và người làm công việc đòi hỏi thẩm mỹ cao mong muốn có hàm răng trắng, đẹp. Tuy nhiên, việc phục hình răng sứ phải bảo đảm cả chức năng và thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Lâm, tại bệnh viện từng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp gặp biến chứng sau phục hình răng sứ như viêm nướu, tụt nướu, viêm tủy răng, sai lệch khớp cắn, rối loạn thái dương hàm, thậm chí một số ca phục hình toàn bộ răng (phục hình toàn miệng) chưa đúng về khớp cắn, khiến bệnh nhân cảm giác rất khó chịu. Nhiều bệnh nhân than phiền cảm giác răng đang cắn trên một vật thể lạ, ăn không ngon, mất tập trung trong công việc và có suy nghĩ tiêu cực. "Tôi từng tiếp nhận một ca bệnh lệch khớp cắn sau khi phục hình toàn miệng than phiền rằng nếu không điều trị được chỉ muốn tự tử. Nguyên nhân là do bệnh nhân sau khi bọc răng, khớp cắn chưa được điều chỉnh đúng. Dù con người có khả năng thích nghi cao với những thay đổi khớp cắn nhưng trong trường hợp phục hình nhiều răng sứ, bác sĩ thực hiện cần phục hồi lại giống hoặc gần giống với khớp cắn bình thường hoặc khớp cắn thích nghi của bệnh nhân để bảo đảm chức năng và không gây khó chịu cho người bệnh" - bác sĩ Lâm thông tin.
Tỉnh táo trước những mời gọi hoa mỹ
Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt cho biết không thể phủ nhận lợi ích thẩm mỹ của bọc răng sứ. Trong trường hợp răng đều nhưng màu xấu, men bị tổn thương hoặc hình thể răng không đẹp, bọc răng sứ là một giải pháp tốt để khắc phục những khuyết điểm này. Tuy vậy, việc bọc răng sứ có thể ảnh hưởng sức khỏe nên người có nhu cầu cần cân nhắc kỹ lưỡng. Để bảo đảm an toàn, trước khi thực hiện, các bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá tình trạng răng và giải thích rõ các biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện.
Theo bác sĩ Việt, những tai biến sau khi bọc răng sứ thường xảy ra nếu kỹ thuật không tốt hoặc chỉ định sai. Chẳng hạn như mài răng quá nhiều dẫn đến chết tủy, viêm nhiễm; xuất hiện nang răng trên xương hàm; chảy máu chân răng, hôi miệng; sai lệch khớp cắn... "Thực tế, một số cơ sở nha khoa với bác sĩ tay ngang thực hiện sẽ không để tâm đến biến chứng sau khi làm răng. Vì vậy, khi có nhu cầu, mọi người nên đến các cơ sở uy tín, bệnh viện có chuyên khoa răng - hàm - mặt để được thăm khám và lên kế hoạch điều trị. Điều này giúp bệnh nhân vừa bảo đảm chức năng của răng vừa bảo đảm thẩm mỹ, tránh tiền mất tật mang" - bác sĩ Việt nhấn mạnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thảo Vân, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, lưu ý hiện nay nhiều cơ sở quảng cáo trên mạng xã hội với những lời mời gọi "có cánh" khi đưa hình ảnh, video đi kèm. "Bản thân tôi sau khi xem cũng bị cuốn theo những video đó. Vì vậy, trước khi quyết định thực hiện, người bệnh có thể tìm hiểu từ các trang báo chính thống, đến các bệnh viện chuyên khoa, đừng quá tin vào quảng cáo" - bác sĩ Vân khuyến cáo.
Không nên tùy tiện
Theo các chuyên gia, dân gian có câu "Nhất đau mắt, nhì nhức răng" nói lên nỗi khổ của người bệnh khi mắc phải các bệnh lý vùng răng - hàm - mặt. Răng - hàm rất quan trọng vì theo suốt đời người, do đó không nên tùy tiện. Chẳng may bị biến chứng thì không chỉ mất thời gian, chi phí điều trị mà còn ảnh hưởng chức năng nhai. Nếu ăn, nhai không tốt có thể dẫn đến hệ lụy là mắc thêm các bệnh lý nội khoa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét